Đến trường là một bước ngoặt với trẻ ở tuổi Mầm non là thời điểm quan trọng đánh dấu sự thay đổi cuộc đời của trẻ. Từ môi trường gia đình được chiều chuộng sang môi trường xa lạ chăm sóc và giáo dục đó không chỉ là thử thách cho cá nhân trẻ mà còn cho cả gia đình trẻ.
Với khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”
Thực hiện sự chỉ đạo của PGD&ĐT huyện Thanh Miện. Ngay từ đầu năm học 2023- 2024 tập thể CBGVNV trường Mầm non Ngô Quyền đã xách định mục tiêu đưa ra đầu tiên là: “Tuyên truyền việc huy động trẻ trong độ tuổi Mầm non đến trường”
Trong những năm qua trường Mầm non Ngô Quyền luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp nhiệt tình của các ban ngành đoàn thể và nhân dân trong xã. Đặc biệt là sự đóng góp nhiệt tình của các cô giáo trong việc tiếp cận trao đổi. Cùng với việc bám sát vào sổ điều tra trẻ độ tuổi, nhà trường đã lên kế hoach phân chia nhóm lớp cùng các cô giáo trực tiếp giảng dạy, rà soát các cháu từng thôn, xóm, từng hộ gia đình, tên tuổi bố mẹ cụ thể và tranh thủ giờ trưa và buổi chiều tối
Công tác điều tra số liệu nói chung và công tác điều tra trẻ trong độ tuổi mầm non nói riêng là một việc làm rất quan trọng và cần thiết, nếu chúng ta điều tra một cách đầy đủ, chính xác sẽ giúp cho công tác xây dựng các loại kế hoạch dài hạn, ngắn hạn một cách chính xác, sát với yêu cầu thực tế, đáp ứng được mục tiêu, kế hoạch đề ra và ngược lại. Vì vậy nhà trường đã tiến hành thực hiện điều tra như sau:
Hàng năm cứ vào đầu tháng 8 nhà trường phân công giáo viên xuống từng thôn làm công tác điều tra trẻ. Tất cả mọi giáo viên khi đi điều tra phải đến từng hộ gia đình, gặp gỡ bố mẹ trẻ để lấy số liệu thật chính xác thông qua sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của trẻ rồi ghi vào sổ nháp. Sau đó đến gặp cán bộ phụ trách dân số, cán bộ ở thôn để đối chiếu, so sánh kết quả, rồi mới ghi vào biểu mẫu. Khi tổng hợp yêu cầu ghi số trẻ 5 tuổi trước rồi lần lượt đến trẻ 4 tuổi, 3 tuổi, 2 tuổi, 1 tuổi và trẻ 0 tuổi (Trẻ mới sinh), hết mỗi độ tuổi phải sang trang và trừ ra ít nhất nửa trang giấy để ghi những cháu chuyển đi, chuyển đến…
Trong khi đi điều tra, ngoài việc ghi chép, lấy số liệu, giáo viên còn phải trò chuyện, giao tiếp một cách khéo léo với cha mẹ trẻ để nắm bắt tình hình về hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của họ và kết hợp tuyên truyền về giáo dục mầm non hiện nay, cùng với việc vận động trẻ ra lớp.
Ví dụ : Cô Hiền đến nhà chị Thảo, thôn Phạm Tân để điều tra cháu Tuyến, cháu Luyến, cô cần phải đến tận hộ gia đình gặp gỡ bố mẹ cháu, chào hỏi ân cần giới thiệu tên, đơn vị công tác, lý do đến gia đình, sau đó hỏi han về sức khoẻ của mọi người trong gia đình, nắm bắt tình hình kinh tế gia đình, trò chuyện với họ ngắn gọn về nhiệm vụ của trường mầm non trong năm học tới, cho gia đình khai ngày tháng năm sinh của trẻ thông qua sổ hộ khẩu và giấy khai sinh, rồi cho họ đăng ký trẻ đi học. Nếu họ còn băn khoăn điều gì giáo viên phải có cách giải thích ngắn gọn, cụ thể, hoặc đề đạt lên BGH nhà trường để có cách thuyết phục tốt nhất.
Nếu trường hợp cha mẹ trẻ đi vắng, giáo viên phải tìm mọi cách để tiếp cận, có thể phải tranh thủ đi vào buổi tối, buổi trưa.
Đối với trường hợp cha mẹ trẻ đi làm ăn xa, để con cho ông bà trông giữ, ông bà không giám quyết định cho trẻ đến trường, hoặc đối với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, yêu cầu giáo viên ghi chép cẩn thận vào cột ghi chú. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, ở mỗi gia đình, giáo viên cần có mỗi cách thuyết phục khác nhau, sao cho đa số mọi người đều có thể hiểu sự cần thiết của giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay là gì, độ tuổi bao nhiêu thì nên đưa trẻ đến trường…
Tiếp theo, nhà trường đã tiến hành tổng hợp trẻ, trên cơ sở đó nhà trường đã biết và nắm vững số trẻ ở từng độ tuổi, từng thôn trên địa bàn xã, số trẻ đăng ký đi học trong năm học, mặt khác nhà trường còn biết được những gia đình nào thuộc diện chính sách, thuộc diện hộ nghèo, những gia đình nào, chưa muốn cho trẻ đến trường, lý do.
Năm sau điều tra tiếp nhà trường chỉ yêu cầu giáo viên điều tra những cháu 1 tuổi và những cháu mới sinh (0 tuổi), bổ sung vào danh sách và cập nhật vào sổ điều tra của nhà trường.
Chính từ việc làm tốt công tác điều tra số liệu trẻ ở trên, kết hợp giữa điều tra với tuyên truyền và vận động trẻ ra lớp, nhà trường đã xây dựng kế hoạch năm học và kế hoạch dài hạn một cách đầy đủ chính xác, sau mỗi lần báo cáo với cấp xã, với phòng giáo dục huyện số liệu vẫn nhất quán như nhau không bị lệch lạc thiếu sót gì. Mặt khác nhà trường đã nắm vững hoàn cảnh cụ thể ở từng gia đình, từng thôn để có cách tiếp tục vận động trẻ đến trường một cách hiệu nhất.
Giải pháp 1: Tuyên truyền vận động cộng đồng đưa trẻ đến trường Mầm non thông qua các văn bản, thông qua hệ thống thông tin của xã, thông qua các đoàn thể xã hội, đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, thông qua các buổi họp phụ huynh và thông qua dự giờ, thăm lớp của ban đại diện phụ huynh.
Công tác huy động trẻ đến trường là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của toàn xã hội, vì vậy để họ thấu hiểu được vấn đề này yêu cầu người cán bộ quản lý phải có kinh nghiệm vận động, thuyết phục, tuyên truyền giúp họ hiểu được tầm quan trọng trong công tác huy động trẻ mầm non đến trường. Nhà trường đã tiến hành thực hiện công tác tuyên truyền như sau:
*Tuyên truyền bằng các văn bản.
Hàng năm cứ vào đầu mỗi năm học sau khi nhận được các văn bản từ cấp trên, nhà trường đọc kỹ nội dung văn bản, lập tờ trình gửi về UBND xã và trao đổi trực tiếp với lãnh đạo địa phương về những chủ trương lớn, nhiệm vụ trọng tâm của ngành, bậc học và công tác huy động trẻ mầm non đến trường trong từng năm học. Tiếp theo nhà trường đã lập kế hoạch cụ thể về công tác huy động trẻ đến trường đối với trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo và báo cáo với xã trong năm học này có bao nhiêu trẻ trong địa bàn xã, trong số đó cần huy động đến trường với số lượng bao nhiêu, tỉ lệ đạt so với từng độ tuổi, số lượng trẻ cần huy động đối với từng thôn, xóm và nộp trực tiếp cho Đảng ủy- UBND xã để nắm bắt và giúp nhà trường triển khai trong các cuộc họp quan trọng của xã.
*Tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã, các thôn.
Xã Ngô Quyền có 6 thôn các thôn đều có hệ thống loa truyền thanh, phát từ trung tâm xã đến các thôn để tuyên truyền về đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân vì vậy rất thuận lợi cho công tác vận động tuyên truyền trẻ mầm non đến trường thông qua hệ thống này.
Để công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả cao, đến được với mọi người và họ thực sự hiểu được sự cần thiết phải đưa trẻ đến trường mầm non khi con, cháu của họ mới chập chững biết đi, mới bập bẹ biết nói đó là một việc làm khó. Nhà trường đã phải dày công viết đi, đọc lại nhiều lần chú ý đến từng câu, từng chữ làm thế nào để nội dung tuyên truyền thật ngắn gọn nhưng đầy đủ, xúc tích, nổi bật được trọng tâm.
Ví dụ : Đầu tháng 8 hàng năm tuyên truyền về nội dung đưa trẻ mầm non đến trường. Nhà trường viết về tầm quan trọng, vị trí của bậc học mầm non, đặc điển tâm sinh lý của trẻ, nhiệm vụ của trường mầm non trong năm học, độ tuổi đến trường của trẻ, các loại giấy tờ cần chuẩn bị trước khi cho trẻ đến trường…sau đó là kế hoạch huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo của toàn trường trong năm học rồi đến kế hoạch huy động từng độ tuổi cụ thể ở từng thôn, tỉ lệ huy động cần đạt trong năm học, thời gian đưa trẻ đến trường.
Từ việc làm trên đã giúp cho mọi người dân trong xã đã nắm bắt được toàn bộ những yêu cầu nhiệm vụ của trường mầm non trong năm học, sự cần thiết phải đưa các cháu đến trường và sẵn sàng đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi quy định.
*Tuyên truyền thông qua các đoàn thể xã hội
Cùng với việc tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã, các thôn, nhà trường đã phối kết hợp với các đoàn thể phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, hội người cao tuổi, mặt trận tổ quốc. Nhà trường đã gặp gỡ trực tiếp các ông, bà trưởng, phó các đoàn thể trong xã trao đổi trực tiếp về kế hoạch nhiệm vụ huy động trẻ mầm non đến trường trong năm học ở từng thôn về số lượng trẻ và tỉ lệ cần đạt, để họ cùng biết, nắm được kế hoạch của nhà trường, nhờ họ giúp đỡ và đưa vào các tiêu chí thi đua ở các chi hội thôn yêu cầu các gia đình có con, cháu trong độ tuổi cùng thi đua nhau đưa trẻ đến trường. Mặt khác thông qua các buổi họp ban chấp hành phụ nữ xã có đông đủ các chi hội trưởng ở các thôn, tôi đã xin phép được trao đổi về tình hình huy động trẻ mầm non đến trường trong năm học này ở từng thôn, (có danh sách kèm theo), nhờ họ cùng quan tâm giúp đỡ, nhắc nhở, động viên các gia đình có con, cháu trong độ tuổi cần đưa trẻ đến trường, với nội dung này đề nghị với họ nên đưa vào tiêu chí bình xét thi đua đối với từng hội viên trong chi hội.
Nhờ có sự phối hợp trên, tất cả các ban ngành đoàn thể trong xã đã vào cuộc cùng với nhà trường nên trong những năm học vừa qua trường mầm non đã huy động số trẻ đến trường khá thuận lợi.
*Đến từng hộ gia đình để tuyên truyền
Công tác huy động trẻ mầm non đến trường là một việc làm khó đòi hỏi người cán bộ quản lý phải kiên trì, chịu khó, nhiệt tình, không nóng vội, phải thật sự bình tỉnh để tìm cho mình một hướng đi, hướng nhìn nhận đúng đắn nhất và đem lại hiệu quả cao. Đâu phải gia đình nào cũng hiểu được vị trí tầm quan trọng của bậc học, mỗi gia đình có mỗi hoàn cảnh khác nhau, có những gia đình thì cha, mẹ quyết định cho con cái đi học đúng độ tuổi nhưng lại có những gia đình có ông, bà trông giữ lại quyết định chưa muốn cho con, cháu đến trường nhất là các cháu ở độ tuổi nhà trẻ, có gia đình do hoàn cảnh kinh tế khó khăn chưa muốn cho con đến trường, đặc biệt còn có những gia đình sợ cho con đến trường con mình chưa biết xúc cơm, chưa biết đi vệ sinh, nói chưa rõ lời sẽ làm cho các cô thêm vất vả…có vô số những lý do để họ không muốn hoặc lo lắng khi cho trẻ đến trường mầm non. Vậy làm thế nào để vận động được các cháu đến trường đảm bảo được tỉ lệ huy động giao của phòng giáo dục huyện. Nhà trường đã làm như sau:
Sau khi đã vào năm học được khoảng 1- 2 tuần, toàn trường rà soát lại danh sách ở từng thôn, xóm , từng nhóm lớp, so với kế hoạch, chỉ tiêu đề ra trong năm học. Lập danh sách những cháu chưa đến trường và bố trí sắp xếp thời gian, phân công giáo viên, hoặc phó hiệu trưởng nhà trường đi cùng, trên cơ sở nắm bắt thông tin từ phía giáo viên, tôi đến tận các gia đình có con chưa đến trường, tìm hiểu lý do, nguyên nhân mà họ chưa đưa trẻ đến trường để động viên, phân tích, thuyết phục các gia đình đưa trẻ đến trường.
Ví dụ : cô Hoa, cô Huệ đến gia đình nhà chị Mai, thôn Phạm Lý, gia đình chị Mai chỉ có 2 mẹ con, hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, con của chị chưa đầy 2 tuổi do vậy chị chưa muốn cho cháu Minh đến trường, nhà trường đã cùng cô Hoa, cô Huệ thuyết phục chị Mai bằng cách chị nên cho cháu đến trường nếu có gì khó khăn nhà trường sẽ phối kết hợp với hội phụ huynh, hội khuyến học tạo điều kiện giúp cháu về đồ dùng học tập, đồ chơi, giảm một phần đóng góp học phí, các loại quỹ…
Tuỳ theo từng trường hợp, từng gia đình cụ thể tôi có cách vận động tuyên truyền, thuyết phục khác nhau. Những trường hợp khó thuyết phục, nhà trường lại nhờ đến các đoàn thể trong thôn cùng vào cuộc để giúp đỡ. Cứ như thế không quản ngày hay đêm tôi đã cùng với các đồng chí ban giám hiệu, giáo viên trong nhà trường đi đến nhiều lần để vận động, kết quả cuối cùng đã thành công.
Mặt khác nhà trường còn tuyên truyền thông qua các hội thi cấp trường như hội thi : “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, chuyên đề “Phát triển thể chất”. Hội thi giáo viên giỏi các cấp …tổ chức thi từ khối mẫu giáo bé đến khối mẫu giáo lớn, yêu cầu các lớp mời đông đủ phụ huynh, kể cả khối nhà trẻ đến dự, thông qua hội thi các bậc phụ huynh đều chứng kiến sự nhanh nhạy, khéo léo, thông minh, dí dỏm, hồn nhiên của trẻ họ rất phấn khởi ai cũng mong con mình đạt giải, ai cũng muốn con mình được tham gia hội thi, họ nghĩ rằng nếu con mình chưa đi học từ độ tuổi nhà trẻ thì chắc hẳn cháu chưa mạnh dạn hồn nhiên được như thế, vì vậy tự họ có thể tuyên truyền lẫn nhau trong thôn xóm, góp phần nâng cao tỉ lệ huy động trẻ đến trường.
* Tuyên truyền thông qua việc mời ban đại diện phụ huynh đến dự giờ, thăm lớp và thông qua các buổi họp phụ huynh.
Không dừng lại tại đây, mỗi học kỳ nhà trường đã lập kế hoạch mời ban đại diện cha mẹ trẻ cùng đến dự giờ, thăm lớp ở từng khối, lớp 1 lần. Trước khi mời họ đến nhà trường yêu cầu giáo viên chuẩn bị chu đáo mọi hoạt động theo chế độ sinh hoạt hàng ngày. Mỗi nhóm, lớp nhà trường mời một đại diện đến dự, họ được chứng kiến tất cả các hoạt từ đón trẻ, điểm danh, chấm ăn, đến hoạt động chung, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, đến hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh và hoạt động chiều của trẻ. Tất cả các cháu đều hoạt động tích cực, cô cháu thân thiện bên nhau, cháu nào cháu ấy đều ăn khoẻ, ngủ ngon, sạch sẽ, ngoan ngoãn. Phụ huynh thấy rằng việc làm của giáo viên mầm non trong một ngày quả là rất vất vả, các cháu được các cô chăm sóc chu đáo, cẩn thận, công bằng, ai cũng phấn khởi, tin tưởng. Từ đó công tác vận động tuyên truyền đưa trẻ đến trường có nhiều thuận lợi hơn.
Các cháu tập làm nội trợ
Mỗi năm nhà trường thường tổ chức cho các bậc phụ huynh họp 2 lần, qua việc dự giờ, thăm lớp của ban đại diện phụ huynh ở các nhóm, lớp, các bậc phụ huynh trưởng trong lớp, nhóm đã chủ động tuyên truyền đến toàn thể phụ huynh còn lại trong các khối, lớp về những công việc làm của các cô giáo và các hoạt động của trẻ trong ngày, ai nấy đều yên tâm hơn, có lẽ tiếng nói của ban đại diện phụ huynh đã góp phần thúc đẩy mọi người tin tưởng hơn, đặc biệt là các bậc phụ huynh ở khối nhà trẻ, khối mẫu giáo bé. Vì vậy số trẻ nhà trẻ đến trường ở trường tôi mỗi tháng, mỗi năm đều tăng lên rõ rệt
Giải pháp 2: Xây dựng môi trường học tập vui chơi thân thiện, an toàn cho trẻ tạo sự gắn bó giữa trò với cô, với trường lớp
Ban giám hiệu cùng tập thể giáo viên nhà trường bàn và thống nhất dành cho các lớp nhà trẻ phòng học tốt và thuận tiện cho cô và trẻ thực hiện chế độ sinh hoạt trong ngày, phòng học tĩnh hơn tránh ồn ào.
Các cháu nhà trẻ chơi ngoài trời
Muốn thu hút được sự chú ý của trẻ trước hết phải tạo điều kiện cho trẻ được sống trong một không gian đẹp, đảm bảo tính thẩm mỹ. Vì vậy, nhà trường đã chỉ đạo các nhóm lớp sắp xếp, trang trí lớp học đẹp, thoáng, các góc luôn được thay đổi theo chủ điểm. Việc tạo môi trường trong lớp học rất cần thiết để làm nổi bật gây hứng thú cho trẻ. Trong phòng học trang trí tranh ảnh chủ đề, ngoài hiên chơi có góc tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, có chỗ đặt các chậu cây xanh, các cây hoa cây cảnh được bố trí hợp lý tạo môi trường thân thiện.
Giáo viền cần phải tạo điều kiện cho trẻ sống trong môi trường lành mạnh, cô yêu trẻ như con, chăm sóc các con tận tình chu đáo để trẻ yêu cô mến lớp thích đi học.
Hình ảnh cô cùng trẻ thăm quan vườn rau
Giải pháp 3: Chỉ đạo giáo viên nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại trường.
Để làm tốt công tác huy động trẻ mầm non đến trường, ngoài những biện pháp nêu trên, nhà trường luôn chú trọng đến công tác chỉ đạo giáo viên nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại trường. Muốn làm tốt nhiệm vụ này yêu cầu mỗi cán bộ giáo viên cần nêu cao vai trò trách nhiệm của mình, phải nhiệt tình, chịu khó, năng động, sáng tạo, nắm bắt được các yêu cầu đổi mới của bậc học, luôn quan tâm đến trẻ, làm thế nào để khi trẻ đến trường luôn được cô yêu thương, giúp đỡ, chăm sóc về mọi mặt từ bữa ăn, giấc ngủ, từ việc đi vệ sinh cho đến việc học tập, vui chơi của trẻ.
Các cháu lớp 25-36T chơi cùng cô
Hàng ngày nhà trường thường xuyên theo dõi từng nhóm, lớp, từng giáo viên, quan sát mọi hoạt động diễn ra trong ngày. Chỉ đạo giáo viên khối nhà trẻ cân, đo theo dõi sức khoẻ trẻ mỗi tháng một lần, khối mẫu giáo cân, đo trẻ ba tháng một lần, có kế hoạch chăm sóc trẻ thiếu cân, suy dinh dưỡng, thường xuyên phối hợp với các bậc phụ huynh cùng chăm sóc trẻ tại gia đình nhằm giảm tỉ trẻ suy dinh dưỡng ở từng nhóm, lớp. Phối kết hợp với trạm y tế xã để khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ mỗi năm hai lần, tìm ra những trẻ mắc các bệnh về tai, mũi, họng, bệnh ngoài da, tiêu chảy...và có kế hoạch phối hợp với phụ huynh để chữa trị kịp thời cho trẻ. Chỉ đạo bộ phận nuôi dưỡng lên thực đơn, điều chỉnh chế biến các món ăn cho trẻ đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng, nhu cầu về Calo cho trẻ trong thời gian trẻ ăn, ở bán trú, tuyệt đối không để trẻ xảy ra ngộ độc thực phẩm tại trường.
Chỉ đạo 100% các nhóm, lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới có chất lượng và hiệu quả cao. Bằng việc làm cụ thể như dự giờ, kiểm tra, thao giảng chọn giáo viên giỏi cấp trường, khảo sát chất lượng trên trẻ ở từng nhóm, lớp giúp giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, với phương châm “Lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên chỉ là người gợi mở” nhà trường đã tìm ra những ưu, nhược của từng khối, nhóm, lớp, từng giáo viên, kịp thời động viên, nhắc nhỡ, giúp đỡ giáo viên phát huy những mặt mạnh, khắc phục những nhược điểm, nhằm nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại trường. Chỉ đạo 100% giáo viên các nhóm, lớp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy tại trường, bằng việc soạn bài trên máy vi tính, chụp ảnh, lấy trên mạng những hình ảnh ngộ nghĩnh cóp vào đĩa để dạy các hoạt động trên máy như: Khám phá khoa học, kể chuyện, đọc thơ, âm nhạc, tạo hình…Chỉ đạo giáo viên trang trí phòng, nhóm, lớp theo các chủ đề đẹp mắt, thu hút sự chú ý của đông đảo các bậc phụ huynh và trẻ.
Cô cùng bé đón tết trung thu
Ngoài ra ban giám hiệu nhà trường còn phân công nhau mỗi tháng kiểm tra đột xuất ít nhất 4 giáo viên, để xem công việc làm của giáo viên đó có diễn ra thường xuyên, có chất lượng hay không, để có biện pháp giúp đỡ.
Từ những việc làm trên, tất cả các cháu đến trường đều đảm bảo an toàn về mọi mặt, cháu nào cũng nhanh nhẹ hoạt bát, phát triển mạnh mẽ về các mặt thể chất, nhận thức, đạo đức, thẩm mĩ, tình cảm xã hội, phụ huynh rất tin tưởng và yên tâm gửi con tại trường. Số lượng trẻ nhà trẻ huy động đến trường đã tăng cao hơn những năm trước và cao hơn bình quân chung của Huyện.
- Bằng nhiều biện pháp tích cực, cha mẹ trẻ đã hiểu được ích lợi của việc đưa trẻ đến trường, nhiều gia đình ở tận vùng xa, đường xá đi lại khó khăn vẫn đưa đón con đến lớp.
- Về phía lãnh đạo địa phương và các ban ngành đoàn thể trong xã: 100% các đồng chí lãnh đạo địa phương và các đồng chí trưởng các ban ngành đoàn thể trong xã đã hiểu được vị trí tầm quan trọng của bậc học mầm non, biết được công tác huy động trẻ đến trường mầm non là trách nhiệm chung của mọi người, mọi ngành nên họ thường xuyên giúp đỡ nhà trường trong công tác huy động trẻ đến trường, luôn ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thêm trang thiết bị cho các nhóm lớp.
- Về phía các bậc phụ huynh: Đa số các bậc phụ huynh đã thấu hiểu sự cần thiết phải đưa con đến trường mầm non và đã tự tuyên truyền lẫn nhau để đưa trẻ đến trường mầm non vì ở đó sự chăm sóc dạy dỗ nhiệt tình và chu đáo của các cô giáo.
- Nhờ có sự chăm sóc trẻ chu đáo nên các bậc phụ huynh đã tin tưởng đem trẻ đến gửi tại trường nên đã thu được kết quả về công tác huy động trẻ mầm non đến trường như sau:
- Điều tra: Tổng: 535 cháu.
- Nhà trẻ: 97/185 cháu đã vào học đạt 52.4%.
- Mẫu giáo 350/350cháu đã vào đạt 100%.